Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người Lào Cai phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên các trụ cột và kinh tế, xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng – an ninh và đối ngoại. Đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế tạo.
Về mục tiêu kinh tế cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 10%/năm; Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm thủy sản 7,7%, công nghiệp – xây dựng 50,6%, dịch vụ – thương mại 36,0%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,6%;…
Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và Châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp. Kinh tế Lào Cai phát triển theo hướng chủ đạo là sáng tạo, xanh, sạch; một trong những trung văn hóa lớn của vùng Tây Bắc với các thế mạnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc;…
Về phương hướng phát triển các ngành, có 04 lĩnh vực quan trọng, gồm: Du lịch; Kinh tế cửa khẩu Công nghiệp chế biến chế tạo; Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Về du lịch, phát triển du lịch Lào Cai trở thành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động thực phát triển kinh tế – xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Về phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Khu kinh tế Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam – Trung Quốc, Châu Âu, trong đó hạt nhân là khu hợp tác kinh tế qua biên giới; là khu kinh tế phát triển đa ngành, lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp;…
Về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển công nghiệp theo hướng gia công, chế biến sâu, mở rộng vị thế, vai trò của tỉnh trong chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước. Mở rộng, phát triển nhóm ngành công nghiệp sau luyện kim, hóa chất, phân bón theo chiều sâu gắn với khai thác các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như apatit, đồng, sắt, đất hiếm.
Về phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tập trung chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Tổ chức phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đi đôi với giá trị và uy tín thương hiệu nông sản địa phương. Khai thác, sử dụng bền vững diện tích rừng sản xuất; phát triển mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp, thâm canh rừng trồng để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích rừng sản xuất. Xây dựng, phát triển các vùng trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản.
Quyết định nêu rõ 06 giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch. Một là, nhóm giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh và Trung ương; tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Ưu tiên kêu goi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Hai là, nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế.
Ba là, nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường. Theo đó, tăng cường nghiên cứu bổ sung, hoàn hiện hệ thống chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến huyện, nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng lớn, phức tạp. Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Bốn là, giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển cơ sở vật chất, trang thiết khoa học và công nghệ của mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ. Các trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, các tổ chức ứng dụng, dịch vụ khoa học kỹ thuật.
Năm là, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển. Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính của từng sở, ngành, địa phương và công bố công khai các thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sáu là, giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thi, nông thôn, trong đó, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất, tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội thông quá đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai trong quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh; trường hợp cần thiết, phối hợp với tỉnh nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiểu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch./.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu Tư <https://www.mpi.gov.vn/>