Miền trung sở hữu nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch mang tầm vóc quốc tế, thế nhưng đóng góp thực tế của ngành du lịch trong tăng trưởng kinh tế còn khá hạn chế. Du lịch chủ yếu phát triển theo chiều rộng dựa vào khai thác thô các tài nguyên du lịch và tập trung thu hút vốn đầu tư vào phát triển truyền thống cơ sở lưu trú.
Đó là nhận định được TS Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đưa ra khi bàn tại hội thảo “Phát triển bền vững du lịch miền trung trong bối cảnh mới”.
Phạm vi liên kết còn hẹp
Ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch vùng trong bối cảnh hội nhập hiện nay có vai trò quan trọng đối với Việt Nam khi ngành du lịch không những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, vùng, của đất nước, mà còn tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác. Đó còn là phương tiện quảng bá hình ảnh của quốc gia, tham gia tích cực vào quá trình hội nhập, toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch.
Với 14 tỉnh và thành phố, trải dài 1.900 km đường bờ biển cùng với các loại địa hình đồi núi, trung du, đồng bằng, ven biển. Vùng Trung Bộ có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch. Thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, một số địa phương trong vùng cũng đã và đang tạo những liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng du lịch của nhau, đặc biệt là các chương trình xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của du khách.
Một số nội dung phát triển du lịch vùng đã cụ thể hóa trong 9 nội dung ký kết phối hợp phát triển của bảy tỉnh duyên hải miền trung. Trong đó, phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức diễn đàn thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp… là những nội dung đã được liên kết thực hiện tốt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các hoạt động hợp tác, liên kết này mới chỉ dừng lại ở việc tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, đưa ra các định hướng, giải pháp chung về phát triển du lịch vùng. Sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng còn hẹp, các lĩnh vực liên kết mang tính tự phát, thiếu bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, vì có cùng điều kiện tự nhiên giáp biển, các sản phẩm du lịch ở các địa phương trong vùng khá tương đồng, trong khi việc tính toán lợi thế so sánh giữa các tỉnh thành để xác định những sản phẩm du lịch đặc trưng cấp vùng chưa thực hiện được nên đến nay, toàn vùng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu du lịch chung cũng như những sản phẩm du lịch đặc sắc. Điều này khiến các nội dung phối hợp phát triển du lịch giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay nói cách khác chưa xuất phát từ yêu cầu phối hợp thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Cần thống nhất quy hoạch
Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch miền trung chủ yếu phát triển theo hướng tập trung thu hút vốn đầu tư vào phát triển truyền thống cơ sở lưu trú. Các sản phẩm du lịch vùng còn khá đơn điệu và có sự trùng lặp ở nhiều địa phương nội vùng. Hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, mang tính tự phát và chủ yếu dừng lại ở mức độ cam kết thỏa thuận.
Theo Tiến Sỹ Cung Trọng Cường, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, việc liên kết du lịch miền trung thông qua phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế di sản địa phương là giải pháp mới cho sự phát triển bền vững du lịch của vùng. Để làm được, các địa phương cần xây dựng và thống nhất quy hoạch phát triển du lịch, hợp tác để xây dựng các sản phẩm du lịch chung và đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh để hình thành điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, từng địa phương cần khuyến khích nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, kết nối vùng, chia sẻ thị trường, nguồn lực và kinh nghiệm giữa các tỉnh trong khu vực.
Góp thêm giải pháp để phát triển du lịch miền trung, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, đó chính là tiếp tục tập trung thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. Đồng thời, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách điều chỉnh kịp thời, phù hợp.