Dự án rừng bền vững, Nhằm phát huy thế mạnh từ rừng kinh tế (còn gọi là rừng trồng hoặc rừng sản xuất) và phát triển vốn rừng nhưng vẫn đảm bảo được diện tích đất canh tác nương rẫy cho người dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao thì công tác giao rừng, cho thuê rừng và quản lý nương rẫy là một chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội lâu dài, đó cũng chính là cơ sở để phát triển rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh một cách bền vững.
Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 791.488,9 ha, trong đó diện tích rừng và đất qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 553.138,3 ha, chiếm gần 70 % diện tích tự nhiên. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo môi trường thuận lợi cho công tác trồng và bảo vệ rừng. Nhờ đó, độ che phủ của rừng không ngừng được nâng lên từ 53,6 % năm 2015 đến thời điểm cuối năm 2022 đạt 58,7%; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ của rừng đạt 60,0 %.
Thực trạng công tác phát triển rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh
Theo tổng kết đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay công tác phát triển rừng kinh tế trên địa bàn Hà Giang vẫn còn gặp một số khó khăn và tồn tại, gây cản trở cho quá trình phát triển rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm và Phát triển lâm nghiệp Hà Giang: Mặc dù Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho Chương trình hỗ trợ trồng rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh nhưng nguồn kinh phí còn thấp, chưa thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Việc người dân và các doanh nghiệp đầu tư vào công tác trồng rừng, chăm sóc rừng chưa thỏa đáng, vì vậy tỷ lệ thành rừng chưa cao (nhất là đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá).
Từ đó dẫn đến chất lượng rừng trồng còn thấp nên chưa thể mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực đối với người dân. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn loài cây cho một số rừng trồng chưa thật phù hợp với thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu dẫn đến tình trạng rừng phát triển kém, điển hình như rừng keo tại huyện Bắc Mê và Yên Minh.
Các cơ quan chuyên môn chưa làm tốt công tác tư vấn cho người dân, nhà đầu tư trong việc lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu của từng vùng sinh thái dẫn đến nhiều diện tích rừng sau trồng 3 – 5 năm không phát triển được, gây thiệt hại về kinh tế và làm giảm độ tin cậy đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, cơ cấu loài cây trồng của rừng kinh tế chưa đa dạng, chủ yếu là trồng thông, sa mộc đối với các huỵện vùng cao; trồng keo, mỡ đối với các huyện vùng thấp. Chưa lựa chọn được loài cây rừng có năng suất và chất lượng cao, chu kỳ kinh doanh ngắn để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất rừng. Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu đất của các hộ gia đình trong quá trình trồng rừng kinh tế còn manh mún, nhỏ lẻ; sử dụng đất cho phát triển rừng không tuân theo qui hoạch.
Từ đó dẫn đến tình trạng có những hộ gia đình có đủ khả năng muốn đầu tư vào trồng rừng thì không có đất, nhưng các hộ có đất trồng rừng thì không có đủ khả năng để đầu tư vào trồng rừng. Tình trạng trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ không theo qui hoạch chung sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình khai thác rừng sau này.
Trong những năm qua, công tác chế biến lâm sản trên địa bàn của tỉnh tuy phát triển nhanh nhưng chủ yếu là tự phát, chưa bền vững, thiếu qui hoạch và tầm nhìn chiến lược; các doanh nghiệp chế biến lâm sản chưa xây dựng được thương hiệu của các sản phẩm từ rừng trồng của Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, giá thành sản phẩm từ rừng trồng còn thấp chưa thật sự thu hút, hấp dẫn đối với người trồng rừng.
Định hướng phát triển dự án rừng bền vững (rừng kinh tế) trên địa bàn tỉnh
Qua thực tiễn đó, để đẩy nhanh quá trình phát triển diện tích rừng kinh tế, nâng cao độ che phủ của rừng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng cần đẩy nhanh quá trình giao rừng và đất rừng cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý lâu dài để có điều kiện đầu tư và đẩy nhanh công tác trồng rừng.
Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác tư vấn, hỗ trợ các hộ gia đình và các tổ chức trong quá trình lựa chọn các loại cây rừng phù hợp với từng vùng sinh thái. Cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh.
Bên cạnh đó, trước khi giao rừng và đất rừng cho các tổ chức và cá nhân quản lý cần phải rà soát những chủ hộ và doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện để đầu tư, bảo vệ, quản lý và chăm sóc các loại rừng trồng. Dự án rừng bền vững chính là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của các loại rừng kinh tế trên địa bàn của tỉnh.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Công ty Cổ phần Lập dự án Á Châu (ACC): nhận viết dự án, Lập dự án rừng bền vững để xin chủ trương đầu tư. Lập dự án rừng bền vững để Vay vốn ngân hàng. Lập dự án rừng bền vững để huy động vốn, Lập dự án rừng bền vững để xin giao đất sản xuất, lập hồ sơ FS, tư vấn thiết kế,…. đa dạng các lĩnh vực.
Hotline: 0908551477